Chọn tên cho trẻ, người lớn bất hòa

20:59:00 0 Comments

Con trai sắp tròn 2 tuổi, chị Hằng vẫn bị bố chồng giận vì đã không hề hỏi ý kiến khi đặt tên cho thằng cháu đích tôn của ông. Ông cho là con dâu láo, coi thường mình; còn chị Hằng thì ấm ức vì nghĩ mình chẳng có lỗi gì cả.

Lúc con dâu bắt đầu thông báo đứa bé trong bụng là trai, ông Hoan, bố chồng chị Hằng, vô cùng phấn khởi tuy không để lộ ra ngoài. Ông nghiền ngẫm tìm chữ thật hay để đặt tên cho cháu nội, định bụng khi các con hỏi thì sẽ đưa ra. Nhưng cả con trai và con dâu ông chỉ ríu rít khoe sẽ đặt tên nọ tên kia cho em bé mà không hề thỉnh ý bố, cũng không để ý đến sự phật lòng của ông. Mãi đến gần đây, đứa trẻ gần 2 tuổi, chị Hằng mới được mẹ chồng cho biết là ông vẫn còn giận.

Còn chị Xuân thì tiếc đứt ruột vì mất cả năm trời nghĩ tên cho con ngay từ khi chưa mang bầu, nhưng rốt cục cái tên khiến chị ưng ý lại bị bà nội nó kiên quyết gạt đi, cho là xúi quẩy. Xuân biết, nguyên nhân sâu xa của sự phản đối này là chị đã lờ đi mấy cái tên mà bà gợi ý. Không muốn mất hòa khí, chị im lặng tìm tên khác. Nhưng em bé lại ra đời sớm hơn dự kiến, vì vậy khi lên bàn đẻ, chị đành chọn đại một cái tên “tàm tạm” để nhân viên bệnh viện ghi vào sổ.


“Từ khi lớn lên, tôi đã nghĩ nếu có con sẽ đặt tên thật hay cho nó. Hễ thấy cái tên nào tâm đắc, tôi lại ghi nhớ. Thế rồi khi mang bầu, cái ‘kho để dành’ ấy vẫn chưa đủ để tôi chọn tên cho con. Nâng lên đặt xuống mãi, ấy vậy mà đùng một cái lại phải lấy một cái tên mà mình chưa kịp cân nhắc” – chị Xuân thất vọng.

Cũng vì cái tên của trẻ mà ông Khương đỏ mặt tía tai với thông gia trong ngày đầy tháng cháu. Ông cho rằng tên của cháu gái ông dở tệ và việc bên ngoại đặt tên cho bé là không đúng. Thông gia của ông, vốn không hề can thiệp gì vào việc này, cũng nổi cơn tự ái, quay ra mắng con gái và rể. Đôi vợ chồng trẻ đành ngậm ngùi ra bệnh viện xin lại giấy chứng sinh để đổi tên khác.

Đôi khi, bà mẹ tương lai phải nhận sự “chỉ đạo” không chỉ của ông bà mà của cả của cô, chú, bác… của đứa bé trong việc đặt tên. Chị Như là một ví dụ. Hai vợ chồng thoát ly lên thành phố nên không ở cùng bố mẹ, nhưng thời gian chị Như mang bầu lại đúng dịp cô em chồng lên luyện thi. Vốn quý anh, cô bé chăm sóc chị dâu rất tận tụy, nhưng hễ chị Như nghĩ được cái tên nào là cô lại dội gáo nước lạnh: “Chị mà đặt tên này thì mẹ mắng cho đấy”, hoặc: “Không được đâu, chị không biết là thím hai nhà ông trẻ cũng tên này à?”.

Tự ái, bất bình là cảm giác thường thấy ở những ông bố bà mẹ khi bị can thiệp vào việc đặt tên con. Đã qua thời đặt tên xấu cho dễ nuôi hoặc “tên gì chả được”. Các bậc bố mẹ hiện nay đều có ý thức rất cao về quyền tự do của mình, lại xác định chỉ đẻ 1-2 con nên rất coi trọng việc tìm chữ đặt tên cho “cục vàng” sắp ra đời và cho rằng việc ai khác xâm phạm quyền này là cực kỳ vô lý. Trong khi đó, nhiều ông bà nội lại quan niệm, nếu theo đúng phép tắc, đôi vợ chồng phải xin ý kiến bố mẹ khi đặt tên cho con. Họ can thiệp thô bạo hoặc giận dỗi nếu thấy đôi trẻ “tự tung tự tác”.

Một khảo sát của VnExpress trên gần 3.000 người tham gia cho thấy, hơn 1/5 số cặp vợ chồng không được đặt tên cho con mình. “Thế lực” lớn nhất tham gia việc này chính là ông bà nội. Trong hơn 15% số gia đình, ông bà nội là người đặt tên cho trẻ. Số còn lại là ông bà ngoại và những người khác, với tỷ lệ tương đương nhau.

Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Hà, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, sự tranh chấp quyền đặt tên trẻ là một trong những nguyên nhân gây bất hòa trong gia đình. Tuy nhiên, chuyện sẽ không trở thành to tát nếu hai bên đều cư xử một cách tế nhị và thông cảm cho nhau.

Với bố mẹ, ngay cả khi con đã có vợ có chồng vẫn thấy chúng bé bỏng, cần có mình bảo ban. Nhưng bà Hồng Hà cho rằng cho dù như vậy thì các bậc bố mẹ cũng nên hiểu khi đã lập ra một gia đình mới, đôi trẻ có trách nhiệm chèo chống, duy trì tổ ấm bé nhỏ của mình, kèm theo quyền quyết định mọi việc liên quan đến nó, trong đó có chuyện nuôi dạy con cái. Đặt tên con là điều đầu tiên và tối thiểu của cái quyền đó.

“Cái tên thể hiện bao nhiêu kỳ vọng của bố mẹ vào đứa trẻ. Ai cũng mong muốn được đặt tên cho con mình” – tiến sĩ Hà nói. Vì vậy, ông bà của bé chỉ nên gợi ý chứ không nên áp đặt, và nếu bị từ chối cũng không nên giận dỗi hay buồn phiền mà nghĩ rằng “nó khinh mình”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hà cũng khuyên các đôi vợ chồng trẻ không nên quá căng thẳng hay cứng nhắc trong chuyện này. Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, đứa con không chỉ của riêng bố mẹ mà còn là cục cưng của cả đại gia đình. Việc chọn tên đặt cho trẻ không chỉ thể hiện quyền lực mà còn là dấu hiệu của tình yêu và trách nhiệm của ông bà đối với cháu.

Vì vậy, khi ông bà đưa ra những cái tên để đặt cho trẻ, trước hết bố mẹ bé nên lắng nghe. Nếu không muốn chấp nhận, nên giải thích ý nghĩa tốt đẹp của những cái tên mình chọn (có thể minh họa bằng sách báo), khéo léo để ông bà biết mình rất thích cái tên này và dự tính dùng nó đặt cho con. Trong trường hợp này, vai trò trung gian của bố đứa trẻ rất quan trọng.

Trường hợp căng quá, có thể nhượng bộ các cụ nếu cảm thấy cái tên được đưa ra không có vấn đề gì. Còn nếu đôi vợ chồng dứt khoát muốn tự mình đặt tên cho con thì hãy cứ làm như vậy. Ông bà có thể sẽ giận; nhưng nếu ngoài chuyện đó, hai người vẫn tỏ ra tôn trọng các cụ, ăn ở “đủ đầy” thì rồi chuyện bất hòa nho nhỏ này cũng sẽ qua.

Hải Hà

0 comments :